Không như phương pháp dạy truyền thống, dạy trẻ tự lập bằng phương pháp Montessori sẽ giúp trẻ được phát triển theo bản năng của mình nhưng vẫn đúng “khuôn khổ” như chúng ta muốn. 7 câu nói dưới đây là những ví dụ.
“Cô thấy con rất chăm chỉ!”
Nên khen vào quá trình nỗ lực chứ không nên khen vào kết quả là một nguyên lý then chốt trong Montessori. Như vậy, người lớn nên tránh khen vào kết quả mà bé đạt được như: “Chữ con viết đẹp quá!” hay “Ôi con học nhanh quá!”…
Thay vào đó, bạn cần khen vào quá trình của trẻ như: “Con đã rất cố gắng, mẹ rất vui!” hoặc “Môn này học rất khó, nhưng con đã rất nỗ lực!”
Với cách nói này, bạn sẽ khiến cho trẻ tin rằng bản thân chúng có thể chinh phục được thách thức bằng chính nỗ lực của mình, chứ không phải vì sự “giỏi” Trời cho hay bẩm sinh mà có.
Bạn cũng đừng quên kết hợp với nhà trường bằng cách duy trì phương pháp Montessori ngay tại nhà nhé! Thay vì nói “Con là một cậu bé ngoan!” hãy đổi lại thành “Con rất rộng lượng khi chia sẻ đồ chơi với em, mẹ rất tự hào về con đấy!”. Hoặc thay vì nói “Con vẽ đẹp thật!” hãy đổi lại thành “Mẹ thấy con rất tỉ mẩn vẽ từng chi tiết một cho đến khi con ưng ý mới thôi!”
“Con nghĩ gì về bài làm của mình?”
Theo phương pháp Montessori, chúng ta nên để cho bé tự đánh giá được công sức của mình tốt hơn là dạy cho bé tìm kiếm sự chấp thuận của người khác. Chưa kể, tự phân tích cũng là một phần quan trọng trong việc dạy trẻ biết cách tìm tòi, học hỏi và khám phá.
Như vậy, thay vì trả lời câu hỏi của con: “Mẹ có thích bức tranh này không?” bằng câu “Mẹ thích lắm!”. Bạn có thể kích cho bé trải lòng về thành quả của mình như “Con thích nhất điểm nào trong bức tranh này?” hay “Vì sao con lại tô màu X cho cái cây Y?”…
“Con có thể tìm nó ở đâu?”
Thay vì làm dùm trẻ, bạn có thể gợi ý cho con để con tự mình tìm ra đáp án cho vấn đề mà con đang băn khoăm. Đó chính là điểm cốt lõi trong phương pháp dạy học Montessori. Bởi cách dạy này sẽ giúp bé tin vào bản thân và tự mình thực hiện mong muốn cá nhân chứ không phụ thuộc vào người khác. Ví dụ:
Ở lớp, bé để quên món đồ cá nhân của mình ở đâu đó và bé hỏi cô có thấy không. Dù giáo viên biết món đồ đó nằm ở đâu, nhưng vẫn sẽ không chỉ thẳng trực tiếp mà gợi ý cho trẻ: “Con có thể tìm thấy món đồ đó ở đâu nè?”, “Hãy nhớ lại xem hồi nãy con cầm món đồ đó chơi ở đâu?”, “Con có thể nhờ bạn nào giúp đỡ?”…
Ở nhà, con bạn chạy tứ lung tung đi chiếc giày và bạn thấy nó ở trong tận góc cửa ra vào. Hãy cố gằng đặt câu hỏi gợi ý cho trẻ thay vì chỉ chỗ ngay như: “Con thường cởi giày ở khu vực nào thì mình tìm kỹ lại trong khu vực đó!” hay “Con kiểm tra lại chỗ để giày của mình xem!”…
Bạn thấy đấy, cách dạy này dù làm bạn mất thời gian nhiều hơn một chút nhưng hiệu quả mang lại rất có giá trị. Bởi bé sẽ bắt đầu chủ động hơn và ít nhờ cậy đến bạn hơn!
“Con muốn cô giúp làm phần nào?”
Với cách dạy của Montessori, trẻ hầu như phải chủ động và tự lập trong mọi việc. Tuy nhiên, sẽ có một số nhiệm vụ vượt quá khả năng của bé, nên giáo viên sẽ hỏi “Con muốn cô làm giúp phần nào?”
Dĩ nhiên, giáo viên sẽ không giúp trẻ làm từ A đến Z, vì như vậy sẽ làm cho bé cảm thấy mình vô dụng, không có khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời đốc thúc tình lười biếng, ỷ lại. Mà bạn chỉ giúp một phần nào đó, đủ để bé cảm thấy sự quan tâm của bạn và gánh nặng được san sẻ.
Ở nhà, mẹ cũng nên kết hợp với giáo viên ứng dụng phương pháp Montessori này với trẻ. Ví dụ: Con đang rất buồn ngủ nhưng vẫn phải dẹp một đống đồ chơi, mẹ có thể hỏi con rằng “Con muốn mẹ phụ dọn dẹp bớt phần nào?” hay “Để mẹ phụ con dọn đống xe đồ chơi này, còn con dọn đống lego kia nhé!”…
“Trong lớp, chúng ta nên…”
Cô giáo thường dùng mẫu câu này để nhắc nhở về hành vi của trẻ cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với quy tắc của lớp. Bởi một sự nhắc nhở khéo thường khiến cho bé hợp tác hơn là câu ra lệnh. Ví dụ:
“Trong lớp, chúng ta nên ngồi ngay ngắn khi ăn!” sẽ ít gây ra sự phản kháng hơn câu “Ngồi xuống ngay!”
Tương tự, ở nhà, mẹ có thể nói “Trong nhà mình, chúng ta nên di chuyển nhẹ nhàng” sẽ hiệu quả hơn là “Ngưng chạy nhảy xem nào!”
Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ muốn trở thành một phần của cộng đồng và chúng ta chỉ đơn giản là nhắc nhở chúng về cách hoạt động của cộng đồng là được. Nếu chưa tin hãy thử ngay để xem kết quả nhé!
“Đừng làm phiền, bé đang tập trung!”
Bạn biết đấy, chỉ cần lỡ “va chạm” ánh mắt là đủ để bé lơ là sự tập trung của mình. Do đó, việc bảo vệ sự tập trung của trẻ là một phần cơ bản của triết lý Montessori.
Ở lớp, trẻ được cho thời gian làm việc liên tục, không gián đoạn (thường là 3h liền) để phát huy tối đa độ tập trung sâu như: vẽ một bức tranh, xây một tòa tháp đồ chơi, giải mã ô chữ…
Ở nhà, khi thấy con đang tập trung làm điều gì đó, mẹ đừng nói gì cả (không khen ngợi, không chỉ trỏ…) mà hãy im lặng quan sát và ghi nhớ khoảnh khắc đó, rồi vào một lúc thích hợp, bạn có thể nhắc lại và khen ngợi trẻ vì sự tập trung cao độ đó.
“Hãy theo trẻ!”
Đây chính là phương châm dạy trẻ theo phương pháp Montessori tiên tiến. Bởi mỗi chúng ta đều tiềm ẩn một khả năng đặc biệt riêng và giai đoạn phát triển của chúng ta cũng chênh lệch chứ không đồng đều, nên các bé cũng không ngoại lệ.
Do đó, bạn cần để cho trẻ bộc lộ khả năng của mình theo thời hạn tự nhiên của chúng, chứ đừng quy chụp theo hiểu biết chủ quan của bản thân, ví dụ: Không phải bé nào một tuổi cũng biết đi hay bốn tuổi thì đều biết đọc…
Hơn nữa, thường sau mỗi hành vi của chúng đều có lý do cụ thể. Vì thế, bạn cần lắng nghe, quan sát và thấu hiểu. Từ đó, dẫn dắt con phát triển theo thiên hướng bẩm sinh của trẻ. Ví dụ:
Thấy con có khiếu hài hước, mẹ hãy thử cho con tham gia khóa học diễn tấu hài
Thấy con khá ít nói và sống nội tâm, mẹ hãy thử đưa văn học cổ điển cho bé đọc qua
Với cách dạy này, chúng tôi tin rằng bạn sẽ khám phá ra được sự kỳ diệu nào đó trong tạo hóa đã ban tặng cho đứa trẻ của bạn, từ đó bạn sẽ có cách tương tác với con hiệu quả hơn.
Nguồn http://giaoducmamnon.net
thietbitoantam.com