Phương pháp giáo dục Montessori đang là một trong những phương pháp giáo dục sớm “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới cũng như Việt Nam, nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ bố mẹ. Vậy điều gì đã làm cho phương pháp Montessori có được sức hút như vậy?
Nguồn gốc của phương pháp giáo dục Montessori
Phương pháp Montessori do tiến sĩ Maria Montessori (1879 – 1952) – một nhà giáo dục người Ý phát minh ra. Bà là một nhà giáo dục vĩ đại khi đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Đồng thời bà cũng là một người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục trẻ em ở Châu Âu, những lý thuyết của bà là tiền đề cho các công trình nghiên cứu sau này của các tên tuổi lớn như Piaget và Vygotsky.
Phương pháp Montessori là một phương pháp giáo dục đặc biệt coi trọng các tiềm năng của trẻ và nỗ lực để phát triển tiềm năng này bằng một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở, hệ thống các đồ dùng học tập được thiết kế đặc biệt.
Điều tạo nên sự khác biệt cho Montessori
Thứ nhất, phương pháp giáo dục Montessori mang trong mình một phương châm giáo dục khá mới lạ, thể hiện ngay được tính độc đáo trong phương pháp “học trẻ để dạy trẻ tốt hơn”. Với phương châm này, Montessori đưa trẻ làm trung tâm chứ không phải là giáo viên như các phương pháp giáo dục truyền thống. Quá trình học hỏi lúc này không phải là thầy cô chỉ đơn thuần truyền lại kiến thức cho trẻ nữa mà thầy cô cũng phải học hỏi từ trẻ. Học hỏi để đưa ra được những phương pháp giảng dạy thích hợp với lối tư duy và mong muốn của trẻ nhất.
Thứ hai, đối với các trường áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, việc xây dựng cấu trúc các phòng học cũng rất khác biệt. Thông thường, các lớp học của Montessori sẽ hoà trọn ba độ tuổi lại với nhau chẳng hạn như 2,5 với 3 và 4 tuổi chứ không xếp lớp theo các độ tuổi như lớp học mầm non kiểu truyền thống. Điều này sẽ tạo ra một môi trường học tập mới mẻ và đa dạng. Các em nhỏ sẽ có cơ hội được học tập và cùng chơi với các anh chị lớn hơn. Thêm vào đó, mong muốn của Montessori cũng là chú trọng vào yếu tố tự học, thực hành của trẻ nên điều này đóng góp rất lớn vào việc gia tăng hiệu quả giảng dạy của Montessori.
Thứ ba, bé hoàn toàn được tự chủ trong môi trường hoạt động cũng như học tập của mình. Khi đó, bé không phải học theo sự chỉ đạo hay sắp xếp của thầy cô giáo mà bé sẽ là người lựa chọn khu vực học và hoạt động mà bé yêu thích. Bé được thoải mái “vùi đầu” vào hoạt động mình thích cho đến khi muốn chuyển sang hoạt động khác. Cách chơi độc lập và tự lập này giúp bé tự khám phá, tự tìm giải pháp khi mắc sai lầm. Với môi trường hoạt động này của phương pháp Montessori, người lớn không “can thiệp” quá nhiều đối với trẻ, đặc biệt là việc áp đặt tư tưởng, quan niệm, cách nhìn của mình với bé. Như vậy, sẽ giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất có thể.
Thứ tư, việc học tập của bé là sự tương tác, phối hợp với đồ dùng học tập và các bé khác. Nghe có vẻ rất lạ vì thông thường, tác nhân mà các bé mầm non được tương tác chủ yếu là thầy cô. Nhưng với môi trường đề cao sự phát triển tự nhiên và tính tự khám phá như Montessori thì không như vậy. Trong một ngày học tập, bé sẽ có ít nhất 3 tiếng để trẻ hoạt động với học cụ và giáo viien không có quyền cắt ngang khi trẻ đang hứng thú với hoạt động của mình để theo hoạt động của lớp.