Thức khuya có thể tăng nguy cơ béo phì cho trẻ dưới 6 tuổi
Thức khuya không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người trưởng thành mà còn tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Trước đây, các chuyên gia nói rằng phụ huynh không nên ép trẻ nhỏ chưa đi học ngủ quá sớm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới tại Thuỵ Điển đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc đi ngủ muộn với nguy cơ béo phì ở trẻ em.
Nghiên cứu về mối liên hệ giữa giờ đi ngủ và nguy cơ béo phì
Nghiên cứu của Viện Karolinska tập trung vào 107 trẻ em ở Thuỵ Điển. Trong đó có 64 trẻ có cha mẹ được chẩn đoán là thừa cân hoặc béo phì. Các nhà khoa học đã theo dõi cân nặng, chiều cao và vòng eo của mỗi đứa trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Ở thời điểm mới bắt đầu nghiên cứu, tất cả trẻ đều có số đo tương tự. Giấc ngủ được đo trong 7 ngày liên tiếp và mỗi năm một lần. Số liệu được thu thập bằng cách sử dụng máy theo dõi gắn trên cổ tay của mỗi trẻ.
Kết quả cho thấy, những trẻ thường xuyên đi ngủ muộn có vòng eo rộng hơn. Chỉ số BMI của những trẻ này cũng cao hơn hơn những trẻ còn lại. Theo tiêu chuẩn của các nhà khoa học, sau 9h tối đã được xem là đi ngủ muộn.
Tuy nhiên, hạn chế lớn của nghiên cứu này là số lượng trẻ em tham gia không nhiều. Do đó kết quả thật sự có thể khác nếu được thực hiện trên phổ rộng hơn.
Tiến sĩ Claude Marcus tác giả của nghiên cứu cho biết:
“Đi ngủ muộn thật sự là một yếu tố nổi bật liên quan đến bệnh béo phì. Nó liên quan đến việc làm cho cân nặng tăng nhanh hơn.”
Nhưng Marcus không chắc trẻ dưới 6 tuổi đi ngủ trước 9h tối có tránh được nguy cơ béo phì hay không. Cần có thêm nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Ông cũng lưu ý rằng, giờ đi ngủ của trẻ em trên khắp thế giới rất khác nhau. Trẻ dưới 6 tuổi ở Tây Ban Nha và một số khu vực ở châu Á thường thức khuya hơn.
Theo tiến sĩ Nicole Glaser và Dennis Styne tại Đại học bang California, việc trẻ tăng cân và béo phì có thể do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều, ít vận động. Và thói quen chăm sóc sức khoẻ của gia đình. Tuy nhiên, cũng có thể có một liên kết vật lý đến một số vùng của não bộ điều khiển chu kỳ giấc ngủ và hành vi ăn uống.
Trước đây đã từng có nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian đi ngủ ngắn hơn có thể tăng nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, nghiên cứu từ nhóm của Marcus đã bổ sung thêm kết quả khác. Đó là cho dù trẻ ngủ bao lâu đi chăng nữa, nhưng nếu ngủ muộn sau 9h tối thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh béo phì. Do đó, Marcus khuyến cáo phụ huynh nên duy trì thói quen lành mạnh hằng ngày cho trẻ.